18. Năm 1925 (âl. Ất Sửu): Ðức Chí Tôn tá danh A.Ă. thu phục ông Nguyễn Trung Hậu (Ngài Bảo Pháp) & ông Lê Thế Vĩnh (Ngài Tiếp Thế).

Năm 1925, ông Nguyễn Trung Hậu nghe đồn ông Tắc, ông Cư, ông Sang xây bàn có vong về cho thi hay lắm, đồn tới tai ông, bữa nọ ông Nguyễn Trung Hậu đến nhà ông Cao Quỳnh Cư, ý ông muốn thử xem coi thiệt giả.

Ông đến đó hầu đàn, ông A.Ă. giáng gõ bàn cho ông Nguyễn Trung Hậu bài thi dưới đây:

Thi

Thuần văn chất Ðức tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Ðến hồi búa Việt giục cờ Mao.

Không ai biết cái biệt hiệu của ông Nguyễn Trung Hậu là Thuần Ðức, cho nên ông mới chịu nhập môn.

Ông Cao Quỳnh Cư cầu ông A.Ă. giải nghĩa: Cờ Mao búa Việt là vật binh quyền của Hiên Viên Huỳnh Ðế ban cho Trấn chư Hầu đặng quyền chinh phạt. Ngũ Ðế Thương Châu còn dùng:

Ðáng phạt thì phát cờ Mao,
Ðáng giết thì ban búa Việt.

– Cờ Mao: thì màu hồng, trên lá cờ có đề bốn chữ “Mao trừ loạn tặc”.

– Búa Việt: trên lưỡi có khắc bốn chữ “Việt sát phản thần”.

Bữa nọ ông Kiên và ông Vĩnh (là Tiếp Thế Vĩnh) làm việc nhà báo năm Ất Sửu 1925, ông A.Ă. cho hai ông một bài thi dưới đây:

Thi

Một viết với thân giữa diễn đàn,
Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
Nước nhà ví biết thân là trọng,
Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.

12-11-1925