141. Ðức Quyền Giáo Tông giải nghĩa về: Ðức Chí Thành & Lòng Bác Ái & Người trong Ðạo phải đối đãi với nhau như thế nào? (1935).

Ðức Quyền Giáo Tông
giải nghĩa về “Ðức Chí Thành”

ÐỨC CHÍ THÀNH

Ðức chí thành là tánh chất thành thật chơn chánh mà mọi người cần phải có hầu để đối đãi nhau cho ngay thẳng, thật thà trong đường Ðời hay là đường Ðạo. Ðức chí thành là gốc năm thường, là nguồn trăm nết. Có chí thành thì đạo hạnh con người mới đặng rõ ràng sáng tỏ. Không chí thành thì đạo hạnh phải bị tà khuất tối tăm. Cho nên con người ở đời mà không un đúc đặng một khối chí thành là gốc rễ thì trông chi đến việc trau giồi đức hạnh là nhành lá vậy.

Ðức chí thành tỉ như một khối vàng, dùng nó mà chế tạo ra lắm đồ trang sức tốt xinh cao giá. Chí khối vàng ấy phải pha phải trộn thì mất nguyên chất tự nhiên, rồi bảo sao những đồ trang sức làm ra không phải xấu hèn thấp giá.

Người xưa tuy quê hèn, song giữ đặng hai chữ chí thành, đối với nhau chẳng hề dối giả, gạt gẫm là gì. Một tiếng ừ với nhau cầm đáng ngàn vàng, một lời hứa với nhau khư khư giữ chặt.

Người nay tuy gọi văn minh tấn bộ; song cái ánh sáng văn minh chóa ra làm cho con người dường như bị nắng quáng đèn lòa mà xem không rõ cái tướng của đức chí thành đặng vậy. Cũng bởi không chí thành cho nên ở đời mới có người nầy xảo trá, kẻ kia gian tham, sanh lòng nghi kỵ lẫn nhau đến đổi trong một việc làm nhỏ mọn mà có nhiều kẻ chung lo thì cũng hóa ra hư hỏng. Theo đường đời mà đức chí thành còn quan trọng là thế, huống chi đường Ðạo là chỗ cần phải treo lên một tấm gương thanh bạch hầu để soi chung thiên hạ.

Người hành đạo cần phải có đức chí thành, tôn chỉ Ðạo mới đặng quang minh chánh đại, rồi nhơn đó mới đặng lòng tín nhiệm của chúng sanh. Khi tụng kinh cầu nguyện, khẩn vái với Trời Phật, nếu đặng chí thành mới có cảm. Có cảm mới có ứng. Có ứng mới có nghiệm; cho nên có câu: “Hữu thành tất hữu Thần” là vậy đó.

Người làm Ðạo mà chí thành thì chẳng hề để ý chi riêng về việc công quả mà cầu danh, chẳng hề tính lập công quả mà cầu danh. Chẳng hề ỷ mình lập nhiều công quả mà tự kiêu, tự đắc rồi tác oai tác phước, lập thế chuyên quyền, gây ra lắm điều trái Ðạo, ai nói cũng nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung.

Người làm Ðạo mà chí thành thì chỉ lo cho chúng sanh, chớ không kể đến thân mình, tự buộc mình vào nơi khổ hạnh, đem cả hình hài trí thức làm món hy sinh cho tôn chỉ Ðạo, thân còn chẳng kể huống lựa lợi và danh.

Nói tắt lại một điều là làm Ðạo mà còn chút ý riêng về lợi và danh thì chưa có thiệt là chí thành vậy.

Người theo Ðạo mà không chí thành thì bất quá là: Cầu vui tu bắt chước hoặc là tu “cầu mị” theo ông nọ bà kia đặng có dễ bề thân cận mà chác chuộng mua yêu cùng trông ỷ lại nơi người vậy thôi.

Người theo Ðạo mà không chí thành thì bất quá là mượn danh Ðạo để vụ tất đồng tiền, hoặc bị lợi dụng đức tin của hàng Tín Ðồ thấp thỏi để mưu điều trái Ðạo.

Người giữ Ðạo mà không chí thành, dầu cho bác lãm quần thơ, rõ thông đạo lý đến đâu đi nữa tưởng cũng không trông thành Ðạo.

Ấy vậy, nếu rủi trong Ðạo mà có đại đa số người không chí thành dầu cho tôn chỉ Ðạo cao thượng đến đâu đi nữa, nền Ðạo bất quá cũng để một trò cười cho thiên hạ.

Thánh ngôn Ðức Chí Tôn dạy rằng: ” ….. …… Các con phải biết Ðạo gốc bởi lòng bác ái và chí thành. Bác ái là lòng đại từ bi thương xót sanh linh hơn thân mình. Cho nên kẻ có lòng bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông mà coi thiên hạ trọng bằng Trời Ðất.

Còn chí thành là mỗi việc đều lấy lòng thành thật mà đối đãi trong Ðời và trong Ðạo. Dầu kẻ phú quí bực nào đi nữa mà không có lòng bác ái và chí thành thì không làm chi nên việc.

Vậy nên Thầy khuyên các con trước hết phải ở sao cho ra vẻ đạo đức, đừng để ý gì việc công quả mà nêu danh nơi cõi tạm nầy.

Các con phải mở rộng tâm chí ra mà hành Ðạo mới nên cho, chớ đừng mờ hồ rằng Ðạo thành thì mình được làm một vị xứng đáng và đại ích trong Ðạo”.

Tóm lại, đức chí thành là gốc của nền Ðạo, tức là tánh mạng của Ðạo vậy, cho nên trong bài Kinh Niệm Hương mở đầu có câu: “Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”.

Ðức chí thành không cần tập luyện mới có chỉ tại nơi tâm muốn cùng không muốn mà thôi.

LÒNG BÁC ÁI

Trên mặt địa cầu nầy, nhơn loại phần nhiều cũng bởi cái lòng vị kỷ mà gây ra lắm điều bạo ngược. Kẻ tham trộm là bởi quí trọng của mình mà không quí trọng của thiên hạ, vì vậy nên tính lấy của người đặng bổ thêm của mình. Yếu sức thì gạt lường trộm cắp, mạnh thế lại ép đè cướp giựt, có khi còn hại đến mạng người. Ăn thịt một con sanh vật là lấy huyết nhục nó để bồi bổ cho huyết nhục mình tức là quí trọng sanh mạng mình mà không quí trọng sanh mạng nó vậy.

Như hai đàng chiến đấu, bên nào cũng đem hết sức lực để tiêu diệt bên kia, thì đàng nào cũng quí trọng mạng mình mà không quí trọng sanh mạng bên nghịch.

Cái lòng vị kỷ gia hại cho nhơn quần xã hội là thế.

Nay muốn tảo trừ cái điều hại ấy, cần nhứt phải làm thế nào cho thiên hạ ai ai cũng có cái lòng bác ái.

Bác ái là gì?

Bác là rộng, ái là thương. Lòng bác ái tức là lòng thương rộng ra. Ta chẳng những thương ông bà, cha mẹ, vợ con cùng là thân tộc họ hàng, mà ta còn phải thương rộng ra cho đến cả nhơn loại chẳng luận nước nào.

Ta chẳng những thương cả nhơn loại, mà ta còn phải thương rộng ra cho tới cả loài sanh vật khác nữa.

 

Tiếp theo bài Ðức Chí Thành (1935)

NGƯỜI TRONG ÐẠO PHẢI ÐỐI ÐÃI VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Ở đời người ta cần phải giao tiếp với nhau. Ðối với chư Ðạo Hữu sự giao tiếp ta lại có cái tình kiên lạc chí thành, cái nghĩa tương thân chí thiết. Giao tiếp mà chi? Là để dìu dắt nhau, nâng đỡ nhau trong đường Ðạo và đường Ðời. Anh lớn chỉ biểu cho em nhỏ, người rõ Ðạo bày vẽ cho kẻ chưa thông. Người nầy lầm lỗi kẻ kia chỉ dùm, dưới vui tuân lời trên dạy, trên không hổ cho dưới bày, lấy lễ hòa nhau, trên khuyên dưới kỉnh vui vẻ chung nhau, buồn thảm sớt nhau, giao lưng đâu cật mà bồi đắp mối Ðạo Trời cho rõ là con một cha, chung thờ một chủ nghĩa.

Ðấng Chí Tôn có giáng cơ dạy như vầy:

“Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức một cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa”.

Trong đường giao thiệp ta cần phải lấy hết tấm lòng bác ái, đem hết dạ chí thành mà đối đãi nhau thì Ðạo tâm ta mới biểu lộ ra tới gương chơn chánh.

Ðồng Ðạo mà chẳng biết thương nhau, chẳng vảng lai thù tạc với nhau, cứ nhà ai nấy ở, ai khôn dại mặc ai, ai hoạn nạn thây ai, bo bo cứ giữ câu “Ðộc thiện kỳ thân” thì trái hẳn với chủ nghĩa Ðại Ðồng của Ðạo Trời lắm đó.

1. Tín Ðồ:

Ðứng vào hàng Tín Ðồ cần phải kính tuân chư Chức Sắc Thiên Phong, vì chư Thiên Phong là người đã thọ lãnh nơi Thượng Ðế một cái Thiên chức đặc biệt để thông truyền Chánh Giáo. Người vẫn có cái quyền sai khiến chư Tín Ðồ về việc phải trong Ðạo. Dầu bậc Thiên Phong mà tài sơ tuổi nhỏ hơn mình đi nữa, hàng Tín Ðồ cũng chẳng nên hổ mình tùng sự, hoặc là vượt bực khinh khi ganh gổ tức là buộc vào mình một cái tội vi lịnh cùng Thượng Ðế vậy.

Vả lại, Chức Sắc Thiên Phong chỉ có cái giới hạn trong khi hành sự mà thôi, ngoài ra toàn là người đồng Ðạo với nhau, tức là Ðạo Hữu với nhau vậy.

2. Chức Sắc:

Ðối với hàng Tín Ðồ, chư Chức Sắc Thiên Phong cần phải có cái hạnh khiêm cung từ nhượng, phải dùng lời dịu ngọt mà dạy dỗ kẻ dưới quyền mình, phải lấy nét ôn hòa mà điều độ nhau. Phải chỗ khiến thì khiến, không phải chỗ sai chớ nên sai. Ðừng làm điều chi quá phận sự mà ra lẽ chuyên quyền. Chẳng nên tự cao, tự phụ mình may nhờ tiền căn cựu phẩm, hoặc là công cả quả dày, nên mới được chức Thiên Phong, biết đâu trong hàng Tín Ðồ lại không có lắm người tài cao đức trọng hơn mình.

Chư Chức Sắc và chư Tín Ðồ mà đối đãi nhau cho có thái độ ôn hòa, thỏa thuận, thì trên không chinh, dưới không mích, ấy là một lễ hiến cho Ðấng Chí Tôn rất long trọng đó vậy.

THƯỢNG TRUNG NHỰT


Phụ ghi:
Ðoạn 6: 
...ai nói cũng nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung… chúng tôi nghĩ là: ...ai nói cũng không nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung.
Ðoạn NGƯỜI TRONG ÐẠO PHẢI ÐỐI ÐÃI VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO? Ðược trích từ quyển PHƯƠNG CHÂM HÀNH ÐẠO của Ðức Quyền Giáo Tông biên soạn năm Mậu Thìn (1928).